Hội đồng KH&CN nghiệm thu đề tài cấp tỉnh: “Chọn lọc, ứng dụng một số chủng nấm ký sinh côn trùng trong đất có khả năng phòng trừ côn trùng hại rễ cây cà phê tại Đắk Lắk”
Ngày đăng: 25/08/2016 16:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/08/2016 16:26
Sáng ngày 25/8, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội đồng KH&CN nghiệm thu đề tài cấp tỉnh: “Chọn lọc, ứng dụng một số chủng nấm ký sinh côn trùng trong đất có khả năng phòng trừ côn trùng hại rễ cây cà phê tại Đắk Lắk”. Đề tài do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì, Chủ nhiệm đề tài là ThS. Đào Thị Lan Hoa.
Toàn cảnh Hội đồng |
Cây cà phê là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, là mặt hàng thương mại quan trọng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, cà phê là một trong số các loại nông sản xuất khẩu chủ lực, giá trị xuất khẩu sau lúa gạo; trong đó Đắk Lắk sản xuất cà phê vối đứng đầu cả nước, cà phê Đắk Lắk đã chiếm vị trí quan trọng trên thị trường trong và ngoài nước.
Đắk Lắk là vùng có độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của các loài nấm ký sinh trên các loài côn trùng hại rễ cà phê như rệp sáp, ve sầu. Sự có mặt của loài nấm này trong tự nhiên đã góp phần hạn chế được sự gây hại của rệp sáp, ve sầu trên cây cà phê. Chính vì vậy, việc thu thập các loại nấm ký sinh trên các đối tượng sâu hại trong đất gây hại rễ cây cà phê (rệp sáp, ve sầu) tại các vùng trồng cà phê, đánh giá đặc tính sinh học và chọn lọc các chủng nấm ký sinh côn trùng có hoạt tính tốt để sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ rệp sáp, ve sầu gây hại rễ cà phê là rất cần thiết. Xuất phát từ đó, đề tài: “Chọn lọc, ứng dụng một số chủng nấm ký sinh côn trùng trong đất có khả năng phòng trừ côn trùng hại rễ cây cà phê tại Đắk Lắk” đã được Sở KH&CN xét duyệt cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện.
Ban Chủ nhiệm báo cáo kết quả đề tài |
Đề tài đã hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu đặt ra ban đầu, với kết quả: chọn lọc được 3 bộ giống nấm ký sinh côn trùng; Sản xuất được 2 chế phẩm phòng trừ một số loại côn trùng chính gây hại rễ cà phê với khối lượng >100kg; 01 quy trình sản xuất chế phẩm sinh học nấm ký sinh côn trùng phòng trừ rệp sáp hại rễ cà phê; 01 quy trình sử dụng chế phẩm nấm ký sinh côn trùng phòng trừ rệp sáp hại rễ cà phê; 05 bài báo (gửi đăng tạp chí, hội thảo, kỷ yếu), tổ chức hội thảo khoa học, tập huấn cho 198 người.
Ts. Vương Hữu Nhi – Phó Giám đốc Sở KH&CN – Chủ tịch hội đồng KH&CN phát biểu kết luận |
Với những kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng đã đánh giá cao tính thiết thực, cần thiết và những đóng góp mà đề tài mang lại trong việc bảo vệ, phát triển cà phê Đắk Lắk. Sau cùng, hội đồng KH&CN đã tổ chức thảo luận và thống nhất nghiệm thu đề tài.
Theo Ngọc Hoàng