Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu nuôi thử nghiệm thương phẩm cá Hô (Catlocarpio siamensis) trong ao đất tại tỉnh Đắk Lắk"
Ngày đăng: 09/01/2020 15:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/01/2020 15:49
Sáng ngày 09/01, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội đồng KH&CN đánh giá nghệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu nuôi thử nghiệm thương phẩm cá Hô (Catlocarpio siamensis) trong ao đất tại tỉnh Đắk Lắk". Đề tài do Công ty TNHH Hải Âu chủ trì thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là CN. Hà Quang Thắng.
Toàn cảnh Hội đồng. |
Mục tiêu của đề tài gồm: Thử nghiệm nuôi cá Hô trong ao đất nhằm xác định kỹ thuật nuôi phù hợp tại Đắk Lắk; Xây dựng 03 mô hình nuôi thương phẩm cá Hô đạt năng suất ≥ 16 tấn/ha, kích cỡ cá ≥ 2 kg/con, tỷ lệ sống 70%; Hoàn thiện kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất tại Đắk Lắk.
Từ mục tiêu nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện 03 nội dung nghiên cứu là: Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất; Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất; Xác định chất lượng thịt cá Hô. Bám sát mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát và lựa chọn địa điểm nuôi thử nghiệm cá Hô trong ao đất tại 3 địa điểm gồm thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và huyện Krông Ana.
Qua quá triển khai thực hiện đề tài với 03 nội dung nghiên cứu, đề tài đã đạt kết quả như sau:
Kết quả nội dung thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất cho thấy cá thích nghi với điều kiện tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk. Kết quả thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất ở 3 mật độ (1 con/m2, 2 con/m2 và 3 con/m2) sau 16 tháng, cá thu hoạch đạt chiều dài 30,9 - 32,4 cm và khối lượng là 817,5 - 894,2 g/con. Tốc độ tăng trưởng tương đối và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối trung bình là 0,83 - 0,85 %/ngày và 1,75 - 1,92 g/ngày. Hệ số chuyển đổi thức ăn 3,50 - 4,11. Tỷ lệ sống 69,7 - 78,7 %. Cá bị bệnh đốm trắng trong quá trình nuôi nhưng không gây thành dịch. Có sự chênh lệch ý nghĩa P<0,05 về chiều dài, khối lượng, hệ số chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ sống của cá thu hoạch ở mật độ 1 con/m2 so với mật độ 2 và 3 con/m2.
ThS. Hà Quang Thắng – Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đề tài. |
Kết quả xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Hô trong ao đất với nguồn cá giống thả thu hoạch từ thử nghiệm, mật độ thả cá 1 con/m2, sau 5 tháng cá đạt chiều dài và khối lượng 39,3 - 40,3 cm và 2.061,1 - 2.122,1 g/con, hệ số chuyển đổi thức ăn từ 2,68 - 2,72, tỷ lệ sống đạt 98,8 - 99,5 %. Năng suất nuôi từ 20,5 - 21,1 tấn/ha/vụ. Lợi nhuận trên ao có diện tích 400 m2 với giá bán 180 nghìn đồng/kg cho lợi nhuận là 59 triệu đến 61 triệu đồng và ao 500m2 khoảng 75 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận từ 39,9 - 40,7 % tổng thu.
Kết quả xác định chất lượng thịt cá Hô tại mô hình nuôi thử nghiệm cho thấy trong thịt cá nuôi chứa 17,60 % protein, 1,44 lipit, tro tổng số 1,17 % và độ ẩm 81 %. Để nâng cao chất lượng thịt cá nuôi và bán được giá cao thì nên xuất bán khi cá đạt từ 2 kg/con trở lên.
Sau quá trình nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá Hô trong ao đất tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và huyện Krông Ana, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tổ chức hội thảo để báo cáo kết quả nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá Hô. Tại hội thảo được biết các hộ mô hình tham gia nuôi thử nghiệm cá Hô cũng như đại biểu tham dự đã đánh giá cao việc xây dựng mô hình và rất phấn khởi, mong muốn được cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục mở rộng mô hình và đồng hành cùng bà con tăng thêm thời gian nuôi cá Hô cho cá lớn hơn nữa để đem lại hiệu quả kinh tế từ loài cá này.
Bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở KH&CN đại diện cơ quan quản lý đề tài phát biểu ý kiến |
Qua báo cáo kết quả đề tài, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đã đánh giá cao ý nghĩa của việc thực hiện đề tài đó là khẳng định được cá Hô phù hợp với điều kiện nuôi ở tỉnh Đắk Lắk, tạo thêm 01 giống cá mới có giá trị kinh tế cao vào loài cá nuôi cho tỉnh Đắk Lắk. Các sản phẩm giao nộp của đề tài cũng đã đảm bảo theo thuyết minh. Tuy nhiên, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đã yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như: Rà soát lại báo cáo tổng kết, các sản phẩm, đặc biệt là các thông số nghiên cứu phải chính xác và đảm bảo tính khoa học; Phần tổng quan tình hình nghiên cứu cần phải có trích dẫn đầy đủ; Phần nội dung nghiên cứu cần xác định mật độ nuôi phù hợp với điều kiện ở tỉnh Đắk Lắk, bổ sung nguồn gốc và tỷ lệ thức ăn công nghiệp; Phần kết luận cần nêu rõ cá Hô nuôi phù hợp ở điều kiện như thế nào tại Đắk Lắk; Cần có những khuyến cáo, kiến nghị đối với loài cá này, đặc biệt cần nêu rõ nguồn gốc của cá giống, giải pháp nuôi như thế nào và quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Hô phải đảm bảo phù hợp với điều kiện ở tỉnh Đắk Lắk.
Ông Đinh Khắc Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận của Hội đồng |
Kết quả hội đồng đánh giá nghiệm thu đã thống nhất đề tài xếp loại đạt và yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện chỉnh sửa báo cáo tổng kết trong vòng 30 ngày theo quy định.
Mô hình nuôi cá Hô tại thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana |
Cá Hô tại mô hình thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn |
Minh Hồng