Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về hoạt động giám định tư pháp
Ngày đăng: 07/05/2019 09:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/05/2019 09:31
Sáng 06/5, Đoàn giám sát Quốc hội do ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm nghe đánh giá về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh chủ trì buổi làm việc cùng lãnh đạo Sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Theo Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành quan tâm đến công tác kiện toàn các tổ chức giám định. Hoạt động giám định tư pháp đã từng bước đổi mới, củng cố và kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp. Trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập là Trung tâm Pháp y tỉnh (Sở Y tế) và Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).
Tính đến ngày 31/12/2018 tổng số giám định viên trên địa bàn tỉnh là 120 người được bổ nhiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đa số các giám định viên tư pháp đều hoạt động kiêm nghiệm tại Sở, ngành nên chưa phát sinh nhu cầu thành lập Văn phòng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 01/1/2013 đến nay, UBND tỉnh đã công bố 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát, xem xét nhu cầu đăng ký tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh để tiến hành lựa chọn, lập danh sách, thẩm định hồ sơ đăng ký tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trình UBND tỉnh công bố. Tuy nhiên, nhu cầu đăng ký tổ chức theo vụ việc còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã bổ nhiệm 55 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực: Pháp y, Kỹ thuật hình sự, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông. Từ ngày 01/1/2013 đến ngày 31/12/2018 trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
Tại buổi làm việc, các Sở, ngành đã tập trung phân tích một số khó khăn, kiến nghị đến Đoàn trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh như: Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ lĩnh vực giám định chuyên ngành; trang bị kỹ thuật phương tiện đối với giám định về vật liệu nổ, vũ khí quân dụng gây phát sinh chi phí quá lớn, nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận chuyển, ảnh hưởng thời hạn tiến hành hoạt động tố tụng; việc tuyển dụng cán bộ làm công tác giám định pháp y tử thi còn gặp khó khăn.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiến nghị một số nội dung liên quan đến Đoàn công tác |
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Đoàn quan tâm xây dựng cơ chế ưu đãi đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; ban hành hoặc sửa đổi các quy định về cơ sở vật chất tối thiểu đối với các tổ chức giám định tư pháp công lập, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giám định công lập trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung Điều 10, Điều 14 Luật Giám định tư pháp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu tỉnh tiếp tục tổ chức tốt hoạt động giám định tư pháp; quan tâm cơ chế phối hợp thực hiện pháp luật về giám định tư pháp trong vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, dành kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo chuyên môn, tạo nguồn bổ nhiệm giám định viên. Về một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp… Đoàn sẽ tiếp thu và trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Theo Daklak.gov.vn