Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại tỉnh
Ngày đăng: 15/04/2015 09:08
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/04/2015 09:08
Sáng 14/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Triệu Thị Nái – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình sử dụng đất của các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2004-2014. Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2004 sau khi chia tách tỉnh Đắk Lắk để thành lập 02 tỉnh mới Đắk Lắk và Đắk Nông theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 thì tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 1.313.537 ha. Toàn tỉnh có 62 nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và Vườn Quốc gia, quản lý sử dụng 646.638 ha. Trong đó, 38 nông trường quản lý sử dụng trên 70.528 ha, 23 lâm trường quản lý sử dụng 562.503 ha. Các nông, lâm trường đóng chân trên địa bàn đã đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo đảm quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, từ khi thành lập, các nông, lâm trường quốc doanh được giao quản lý sử dụng diện tích đất lớn, không phải trả tiền thuê đất nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất hạn chế, thực hiện khoán không đúng đối tượng, nhiều đơn vị sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định nên hiệu quả sử dụng đất thấp; công tác quản lý sử dụng đất của các lâm trường trong thời gian dài thiếu chặt chẽ, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, ở một số đơn vị có tình trạng buông lỏng quản lý; thêm vào đó dân di cư tự do đến địa bàn dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai để sản xuất nông nghiệp kéo dài đến nay chưa xử lý dứt điểm; các công ty lâm nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và bộc lộ nhiều nhược điểm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động lâm trường theo mô hình truyền thống chưa có đổi mới…
Ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường thuộc tỉnh quản lý. Sau khi rà soát đất đai và đổi mới các nông, lâm trường, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 57 đơn vị đang quản lý sử dụng trên 534.690 ha. Trong đó, 37 nông trường chuyển thành công ty nông nghiệp, 01 nông trường giải thể chuyển giao về địa phương quản lý; 15 lâm trường chuyển thành công ty lâm nghiệp, 02 lâm trường giải thể, 01 lâm trường phá sản chuyển giao về địa phương quản lý và 01 lâm trường chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Về hiệu quả sử dụng đất, trong số 9 công ty nông nghiệp do tỉnh quản lý, chỉ có 6 công ty sản xuất kinh doanh có lãi từ 2,01% đến 12,38% sau thuế, thu nhập bình quân của lao động trên 5,2 triệu đồng/tháng; đối với 15 công ty lâm nghiệp chỉ có 01 đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi, đạt 4,9% lợi nhuận sau thuế, 4 đơn vị thua lỗ, số còn lại chỉ đạt mức thấp dưới 0,1%, thu nhập bình quân trên 4,3 triệu đồng/tháng.
Bà Triệu Thị Nái – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan đã giải trình một số vấn đề được Đoàn Giám sát quan tâm như: Hiệu quả sử dụng đất, tình hình sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2004 - 2014 của các công ty nông, lâm, nghiệp trên địa bàn; hướng xử lý tình trạng dân di cư tự do lấn chiếm đất tại các công ty nông, lâm nghiệp; hiệu quả của các mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng; hướng giải quyết của tỉnh đối với diện tích đất kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng; việc giải quyết tình hình tranh chấp đất đai kéo dài trong thời gian qua; tình hình sắp xếp lao động, giải quyết việc làm cho lao động sau khi các nông, lâm trường phá sản…
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Triệu Thị Nái – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, trong những năm qua chính quyền các cấp của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong triển khai sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, góp phần nâng cao nhận thức, đưa công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, tỉnh còn làm tốt công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ cũng như đồng bào dân tộc di cư. Đoàn Giám sát ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương và sẽ sớm tiến hành rà soát, tổng hợp hoàn chỉnh để trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo Daklak.gov.vn