Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Ngày đăng: 10/06/2019 08:21
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/06/2019 08:21
Xác định là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã có những chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN). Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu KHCN đã và đang được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đời sống, sản xuất.
Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
● Thưa Tiến sĩ, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chính sách phát triển KHCN như thế nào, những thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ?
Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tỉnh đang tập trung triển khai các chính sách phát triển KHCN, như: xây dựng các trại thực nghiệm chuyển giao tiến bộ KHCN, đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động KHCN. Ban hành cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tổ chức theo hướng dẫn của Bộ KH&CN.
Phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài KHCN. Đặc biệt đang triển khai Nghị quyết số 175/2015/NQ-HĐND, ngày 3-12-2015 về phát triển KHCN tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó xác định một số chương trình nghiên cứu trọng điểm: tập trung xây dựng các chính sách về KHCN; nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất, chất lượng; bảo hộ và phát huy các sản phẩm trí tuệ với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ các nghiên cứu trong chương trình ứng phó biến đổi khí hậu…
Đến nay, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu nổi bật trên một số lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến. Cụ thể đã chuyển giao thành công công nghệ ghép chồi cà phê; ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cà phê phục vụ chương trình tái canh (giống cà phê vối năng suất cao TR4, TR5, TR15; giống cà phê chín muộn TR114 - TR16 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên; giống lúa tổ hợp lai TH3-3, TH3-5, TH7-5 tại Đắk Lắk được hoàn thiện và chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Cà phê 720).
Trong chăn nuôi đã chuyển giao quy trình vỗ béo bò, chương trình cải tạo đàn bò địa phương tại huyện Ea Kar và Ea Súp. Về lĩnh vực chế biến đã chuyển giao quy trình chế biến ca cao theo quy mô công nghiệp tại Công ty Ca cao Nam Trường Sơn; quy trình, thiết bị máy chế biến cà phê quy mô nông hộ tại Công ty cơ khí Viết Hiền...
● Tỉnh Đắk Lắk có chính sách ưu đãi nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động KHCN cũng như khuyến khích các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo?
Tỉnh Đắk Lắk chưa có chính sách riêng cho thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho KHCN. Tuy nhiên, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 143/2014/NĐ-HĐND, ngày 13-12-2014 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Đắk Lắk. Và hiện đang xây dựng nghị quyết về thu hút phát triển đội ngũ cán bộ KHCN theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ.
Hằng năm, tỉnh đã thông báo đến các cá nhân, tổ chức hoạt động KHCN đăng ký tham gia đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN. Trong hoạt động đổi mới sáng kiến kỹ thuật, Sở KH&CN phối hợp với các ngành tham gia tích cực công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các cuộc thi đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp….
● Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào đang được tỉnh Đắk Lắk bước đầu khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vậy theo Tiến sĩ những giải pháp nào sẽ thúc đẩy ứng dụng KHCN trong lĩnh vực này?
Đến nay, tại Đắk Lắk có 24 dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt, trong đó có 6 dự án đang khảo sát và bước đầu triển khai, với tổng công suất 969 MWp, chủ yếu tập trung ở hai huyện biên giới Ea Súp, Buôn Đôn. Năm 2019, sau dự án Sêrêpốk 1 và Quang Minh sẽ có 4 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng…
Giải pháp để thúc đẩy ứng dụng KHCN trong lĩnh vực này là: Chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp KHCN tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Đồng thời cần xây dựng cơ chế chính sách theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu trong lĩnh vực này.
● Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Báo Đắk Lắk