Dân hiến kế để cùng chính quyền phát triển tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 08/06/2020 08:17
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/06/2020 08:17
Lần đầu tiên, người dân tỉnh Đắk Lắk được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ cầu thị lắng nghe, chắt lọc các ý kiến, hiến kế, nhất là những giải pháp đổi mới, đột phá trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm phát triển Đắk Lắk một cách bền vững.
Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (giữa) trong một lần tham quan mô hình khởi nghiệp của thanh niên huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. |
Người dân đang nghĩ gì?
Ngay khi Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh”, nhiều người dân trên địa bàn đã bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến.
Một trong vấn đề mà người dân đang rất quan tâm chính là việc Đắk Lắk đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác ở các cơ quan nhà nước nhưng hiệu quả chưa cao.
Anh Nguyễn Văn Hải - một cán bộ trong ngành Y tế - nhận định, hiện cơ chế thu hút nhân tài còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp thời đại. Anh Hải lấy ví dụ, nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây đồng loạt xin nghỉ việc vì áp lực trong nghề quá lớn. Cũng theo anh Hải, mặc dù áp lực cao nhưng thu nhập của đội ngũ y bác sĩ vẫn còn thấp, chưa thể giúp họ an tâm công tác.
“Nếu được tham gia đóng góp ý kiến, tôi mong muốn tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục đưa ra các chế độ thu hút đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao về công tác ở địa phương. Cùng với đó, cần có những đãi ngộ thật tốt cho các y bác sĩ có thời gian công tác lâu năm” - anh Hải chia sẻ.
Trong lĩnh vực du lịch, nhiều đơn vị lữ hành cũng cam kết sẽ sẵn sàng đầu tư, tìm hiểu môi trường du lịch Đắk Lắk nếu như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm du lịch đảm bảo. Đại diện một doanh nghiệp ở Nha Trang cho biết: “Nhiều năm nay, du khách Châu Âu khi đặt chân đến Nha Trang - Khánh Hòa thường sẽ vào TPHCM hoặc ra Đà Nẵng để du lịch chứ rất ít người nghĩ đến việc lên Đắk Lắk, Tây Nguyên. Sở dĩ các đơn vị lữ hành chưa quan tâm đến cao nguyên vì chặng đường di chuyển từ Nha Trang lên TP.Buôn Ma Thuột quá dài và những điểm du lịch ở đây chưa thật sự phong phú, đa dạng”. Doanh nghiệp lữ hành này mong muốn Đắk Lắk sớm triển khai xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột và tổ chức đa dạng hóa các loại hình du lịch…
Hay như trong lĩnh vực nông sản, TP.Buôn Ma Thuột dù được mệnh danh là thủ phủ cà phê, tuy vậy, về với vùng đất và con người nơi đây, du khách như lạc giữa ma trận với hàng trăm thương hiệu cà phê khác nhau. Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Đam San - nêu lên thực tế: Cà phê ở Buôn Ma Thuột nơi đâu cũng gắn mác “đặc sản”. Nhưng thế nào là cà phê đặc sản thì Đắk Lắk chưa có một quy chuẩn gì. Cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý... nhưng còn nằm trong ngăn kéo, chưa khai thác.
“Tôi cho rằng, chúng ta cần có sự thống nhất trong việc công bố “đặc sản cà phê”. Có làm như vậy, cà phê Buôn Ma Thuột mới có cái riêng, có chỗ đứng trong và ngoài nước” - ông Cơ nói.
Sàng lọc những ý kiến hay để áp dụng
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, mục đích của việc mời người dân tham gia đóng góp ý kiến là nhằm phát huy dân chủ, cầu thị, lắng nghe, chắt lọc các ý kiến, hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhất là những giải pháp đổi mới, đột phá trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm xây dựng, phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững.
“Các hiến kế có giá trị sẽ được xem xét, bổ sung vào nghị quyết, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho hay.
Về nội dung hiến kế, Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, các ứng viên có thể hiến kế ý tưởng, giải pháp tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở khai thác cũng như phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý, con người... theo định hướng phát triển chung của Trung ương và của tỉnh. Hình thức hiến kế thông qua các bài viết, công trình, đề tài, đề án nghiên cứu có tính sáng tạo, đột phá, khả thi.
Theo laodong.vn