Đắk Lắk phấn đấu trên 60% trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025
Ngày đăng: 08/04/2021 08:58
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/04/2021 08:58
Sáng 7/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường học quốc gia giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.025 trường học, 15.756 lớp, với 479.347 học sinh từ mầm non đến cấp Trung học phổ thông, trong đó có 92 trường ngoài công lập. So với năm 2016 tăng đã tăng thêm 20 trường, 1.015 lớp và 13.706 học sinh. Giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học. Đặc biệt trong giai đoạn này, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, việc đầu tư xây dựng và duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia nhận được sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội.
Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 529/1021 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 52% (vượt 2% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao). Trong đó mầm non 110/329 trường (tỉ lệ 33%), Tiểu học 251/400 trường, tỷ lệ 63%; THCS 144/235 trường, tỷ lệ 61%, THPT 24/57 trường, tỷ lệ 42%. Có 03 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký gồm huyện EaKar, Ea Súp và Krông Năng.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, mặc dù có sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, địa phương nhưng so với nhu cầu thực tại cở sở vật chất thiết bị của các trường học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Từ bậc học mầm non đến phổ thông có 14.885 phòng học, trong đó có 10.041 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 67,45%. Tình trạng phòng học tạm nhiều nhất ở bậc học mầm non, tiểu học khoảng 259 phòng học nhờ, học tạm. Một số trường học ở các cấp học, bậc học còn thiếu phòng học, phòng học bộ môn, bậc tiểu học còn thiếu khoảng 996 phòng học. Tỷ lệ phòng học kiên cố vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Nhiều trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia, sau nhiều năm đã xuống cấp nhưng do thiếu kinh phí để sữa chữa, nâng cấp nên việc công nhận lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị tuy không đạt, vượt chỉ tiêu nhưng đã có sự nỗ lực lớn để góp phần hoàn thành chỉ tiêu của toàn ngành. Bậc học mầm non và THPT tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp so với cấp THCS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Về mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu 617/1.021 trường ở cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu 100% trường đạt chuẩn theo chu kỳ 5 năm được xét công nhận lại và từ 3%-5% số trường được nâng chuẩn. Tăng cường ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho công tác quản lý, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thống kê, phân tích đánh giá ngoài hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh đánh giá cao kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn vừa qua. Về nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, yêu cầu ngành GD&ĐT tăng cường sự phối hợp các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể để đầu tư phát triển giáo dục nói chung và công tác xây dựng trường đạt chuẩn nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của cá nhân, tổ chức toàn xã hội phục vụ cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đề nghị Ngành giáo dục Đắk Lắk tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại đối với các trường phổ thông trong giai đoạn 2021-2025 nhằm khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực cho giáo dục, tạo điều kiện cho các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 21 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho 16 tập thể và 22 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo Daklak.gov.vn