Đắk Lắk làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 15/01/2019 08:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/01/2019 08:31
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, nên việc giữ gìn môi trường ổn định, đoàn kết giữa tín đồ các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường (thứ tư từ phải sang) thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh 2018 tại Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột. |
Theo thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 tôn giáo chính là: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với 609.536 tín đồ, chiếm 32% dân số của tỉnh. Trong đó, tín đồ là người dân tộc thiểu số có trên 247.000 người. Toàn tỉnh có 796 cơ sở và điểm sinh hoạt tôn giáo; có 1.256 chức sắc, nam nữ tu sĩ đang sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo. Về tín ngưỡng, có 93 cơ sở tín ngưỡng, gồm 10 đình thờ Thành hoàng Bổn cảnh, 12 đền thờ các anh hùng, 55 miếu thờ dân gian, 3 phủ thờ Thánh Mẫu, 5 điện thờ tư gia và 8 am, tháp. Điều đó cho thấy đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân rất phong phú, đa dạng.
Rất nhiều địa phương có tín đồ của 4 tôn giáo trên cùng chung sống đan xen, song luôn tôn trọng tín ngưỡng của tôn giáo bạn, cùng đoàn kết chung tay, góp sức xây dựng quê hương. Hoạt động của các tôn giáo đi vào nền nếp, tuân thủ theo đúng giáo lý, giáo luật, hiến chương và các quy định của pháp luật. Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không để xảy ra những điểm “nóng” về tôn giáo để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần giữ vững môi trường ổn định, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Nghiêm Văn Chuẩn, Trưởng Ban Tôn giáo, để duy trì ổn định hoạt động của các tôn giáo như trên là nhờ Đắk Lắk đã gây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng giữa cấp ủy, chính quyền với đại diện các tôn giáo, qua đó tranh thủ tiếng nói, uy tín của những chức sắc, chức việc các tôn giáo để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, tín đồ có ý thức tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thể nhận thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên vào những dịp đại lễ của các tôn giáo hằng năm. Trong hai đại lễ lớn là Phật đản (Phật giáo), Giáng sinh (đạo Công giáo, Tin lành và Cao đài), đích thân Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trực tiếp đến các cơ sở tôn giáo lớn để chúc mừng, biểu thị sự tôn trọng với các tôn giáo.
Trong không khí cởi mở, chân tình, đại diện các tôn giáo và lãnh đạo Tỉnh ủy trao đổi những vấn đề, lĩnh vực cùng quan tâm; thẳng thắn chia sẻ, bày tỏ, kiến nghị những điều còn vướng mắc. Bên cạnh đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức gặp mặt thân mật, chúc mừng các chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong các tôn giáo vào hai dịp đại lễ này. Còn vào dịp Tết Nguyên đán của dân tộc, đại diện các tôn giáo cũng đến thăm, chúc Tết lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...
Một giải pháp khác để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là tỉnh luôn bám sát, thực hiện đúng phương châm “Nghe tôn giáo nói và nói cho tôn giáo hiểu”, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết, đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở tôn giáo hoạt động theo đúng giáo lý, giáo luật, hiến chương và quy định của pháp luật. Những vấn đề liên quan đến lĩnh vực cấp phép xây dựng cơ sở tôn giáo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mở rộng diện tích xây dựng, xin thành lập các điểm nhóm sinh hoạt tập trung, đều được các sở, ngành, địa phương quan tâm, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, theo đúng trình tự thủ tục đã gây dựng niềm tin cho các tôn giáo.
“Chưa bao giờ mà hoạt động của tín đồ Tin lành nói riêng, của các tôn giáo khác nói chung trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi như vậy. Đơn cử như với đạo Tin lành, khi có nhu cầu, đủ điều kiện xin phép thành lập các điểm nhóm sinh hoạt tập trung, các cấp chính quyền địa phương đều quan tâm, giải quyết kịp thời” Mục sư Huỳnh Cường nhận xét. Ngược lại khi các cơ sở tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đi vào sinh hoạt nền nếp, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những địa phương tổ chức giao ban Tỉnh ủy có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tôn giáo. Ông Nghiêm Văn Chuẩn, Trưởng Ban Tôn giáo cho rằng, việc tạo điều kiện để những người trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực này dự giao ban Tỉnh ủy có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình công tác, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành, đại diện Ban Tôn giáo sẽ trình bày rõ ràng, cụ thể tại buổi giao ban để lãnh đạo Tỉnh ủy kịp thời có chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, nhanh chóng. Nhiều tổ chức cơ sở tôn giáo trực thuộc được thành lập, xây dựng mới khang trang; các chức sắc, tu sĩ được quan tâm, tạo điều kiện phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, đào tạo trong và ngoài nước… thông qua các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy từ các buổi họp này.
Trong năm 2018, ở cấp tỉnh, Đắk Lắk đã cấp phép xây dựng cho 16 cơ sở tôn giáo; cấp phép thành lập 19 tổ chức tôn giáo trực thuộc. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và giải quyết 323 hồ sơ liên quan đến hoạt động tổ chức lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, hội nghị, đại hội các tổ chức tôn giáo trực thuộc. |
Theo Báo Đắk Lắk