Cà phê đặc sản Việt Nam: Không ngừng khẳng định vị thế
Ngày đăng: 04/11/2024 08:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/11/2024 08:27
Sau 6 năm khai thác ở phân khúc cao cấp, ngành hàng non trẻ của Việt Nam - cà phê đặc sản liên tục thắng lớn ở các “đấu trường” quốc tế, khẳng định vị thế và giá trị của cà phê Robusta Việt Nam.
Những mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 được trưng bày tại buổi trao giải. |
Thắng lớn trên trường quốc tế
Trong những năm gần đây, cà phê đặc sản Robusta từ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc…, được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và đã có những lô hàng xuất khẩu số lượng lớn.
Cũng từ đó, cà phê Robusta đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được các thí sinh sử dụng tại một số cuộc thi pha chế danh tiếng tại Úc và Mỹ, đánh dấu chặng đường dài nâng cao danh tiếng và giá trị hạt cà phê Việt Nam. Đặc biệt, tại Cuộc thi “Cup Odjeta Swan 2024" do Greater China Coffee Industry Elite Forum (GCEF) tổ chức diễn ra từ tháng 8 – 10/2024, cà phê Robusta đặc sản Việt Nam đã đoạt giải cao nhất.
Đây là sự kiện lựa chọn cà phê Robusta toàn cầu đầu tiên của GCEF, quy mô lớn chưa từng có, với 3.505 người đã tham gia đánh giá cà phê Robusta, bao gồm các chuyên gia cảm quan, chuyên gia rang xay, người tìm hạt, barista, người yêu cà phê… đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Việt Nam, Mexico và Indonesia. Sự khác biệt trong tiêu chí đánh giá của cuộc thi này là sử dụng sở thích cảm quan của người tiêu dùng đại chúng, kết hợp với đánh giá của chuyên gia để lựa chọn ra mẫu Robusta tốt nhất, góp phần tăng cường tính khách quan và minh bạch cho cuộc thi.
Vượt qua 8.000 mẫu dự thi đến từ các nước trồng cà phê Robusta của toàn cầu, các mẫu cà phê Robusta Việt Nam xuất sắc có mặt trong tất cả 5 nhóm giải, gồm: Top 3 cà phê Robusta của năm; top 10 cà phê Robusta tiết kiệm chi phí nhất; Robusta đặc trưng tốt nhất; top 10 loại cà phê Robusta được khuyên dùng; Robusta hương vị đặc biệt. Điều đáng mừng nhất là nhóm giải Top 3 cà phê Robusta của năm đều thuộc về cà phê Việt Nam, gồm: top 1 thuộc về Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care (tỉnh Đắk Lắk); top 2 là Công ty Cổ phần Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ 8Ro (tỉnh Đắk Nông); top 3 là Công ty Cổ phần Coffeecherry Việt Nam (Hà Nội).
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh, Cuộc thi Cup Odjeta Swan 2024 đã tạo ra một sân chơi công bằng và minh bạch để tôn vinh những sản phẩm cà phê Robusta xuất sắc. Sự thành công của các doanh nghiệp không chỉ là niềm tự hào của riêng thương hiệu mà còn là minh chứng cho chất lượng và tiềm năng to lớn của cà phê Robusta Việt Nam. Điều này khẳng định rằng, cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh và tỏa sáng trên thị trường quốc tế. |
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care cho biết, đến với cuộc thi này, doanh nghiệp mang hai mẫu cà phê Robusta honey và Robusta natural đạt giải trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 tham dự, với mục tiêu đi từ “sân chơi” trong nước đến “sân chơi” thế giới để khẳng định vị thế và giá trị cho cà phê Robusta Việt Nam. Thật sự bất ngờ và vui mừng khi sản phẩm vượt qua hàng nghìn mẫu, với các vòng chấm gắt gao của hàng nghìn chuyên gia và cộng đồng để giành giải Nhất của cuộc thi.
Sự thành công của thương hiệu Aeroco Coffee (Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care) cũng như các mẫu cà phê Robusta Việt Nam tại cuộc thi này không chỉ nâng cao giá trị và hình ảnh của cà phê Việt Nam mà còn khẳng định Robusta Việt Nam đang đi đúng hướng, chinh phục được thị trường cao cấp bằng Fine Robusta (cà phê Robusta đặc sản). Điều này khuyến khích các nhà sản xuất trong nước đầu tư vào chất lượng và phát triển bền vững. Cuộc thi đã tạo động lực lớn để các đối tác tin cậy vào sản phẩm, tạo thị trường rộng lớn hơn cho cà phê Robusta Việt Nam.
Thay đổi định kiến, chinh phục thị trường
Ngành cà phê Việt Nam hiện đang có những bước tiến về cải tổ chất lượng khi cà phê Robusta vốn gắn liền với cà phê thương mại và cà phê hòa tan thì ngày càng có nhiều người quan tâm đến cà phê Robusta đặc sản.
Sự xuất hiện của cà phê Robusta đặc sản mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam nhằm khai thác thị trường cao cấp và góp phần tạo nên sự đa dạng trong thế giới cà phê.
Quy trình lựa chọn quả chín nghiêm ngặt trong chế biến cà phê chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care. |
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, năm 2019, việc sản xuất cà phê đặc sản tại Việt Nam mới thực sự đi vào chuẩn hóa thông qua Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam. Từ đó đến nay, cuộc thi ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng.
Điều này cũng góp phần chuyển đổi ngành cà phê Việt Nam từ số lượng sang chất lượng và khi nhìn vào Việt Nam, thế giới sẽ không xem cà phê Việt Nam là phẩm cấp thấp nữa, mà có những sản phẩm chất lượng rất ngon, đạt tiêu chuẩn thế giới.
Ông Adi W.Taroepratjeka, Trưởng Ban giám khảo chung kết Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 chia sẻ, trước đây có rất nhiều người không thích cà phê Việt Nam vì hương vị đắng ngắt, nhưng những năm gần đây, các hương vị cà phê Robusta của Việt Nam đang được người tiêu dùng thế giới rất thích, bởi có các mùi hương như siro, đường của trái cây, các loại trái cây nhiệt đới, đặc biệt là hương mộc sang trọng, đắt giá…
Trong nhiều năm qua, hoạt động quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam đã được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với các hội viên Chi hội Cà phê đặc sản tổ chức nhiều sự kiện tại thị trường nội địa: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang..., từng bước đưa thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam ra thị trường quốc tế, tiếp cận với các thị trường mới nổi về cà phê như Trung Quốc.
Đặc biệt, trong tháng 11/2024, Hiệp hội sẽ có 6 mẫu cà phê Robusta và 6 mẫu cà phê Arabica tham gia sự kiện Café Show tại Hàn Quốc. Ngoài việc tiếp cận với thị trường Hàn Quốc, đây là dịp giới thiệu văn hóa thưởng thức cà phê pha phin của người Việt Nam, cũng như để người tiêu dùng Hàn Quốc biết đến cà phê đặc sản Việt Nam, nhất là cà phê Fine Robusta Việt Nam.
Báo Đắk Lắk