Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận về hai dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi)
Ngày đăng: 11/11/2024 08:24
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/11/2024 08:24
Ngày 9/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn) |
Đối với dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tán thành việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà giáo; nhất là quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng. Đồng thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm xuyên suốt là xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; tôn vinh, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề…
Liên quan đến vấn đề định danh nhà giáo, đại biểu cho biết cần thiết phải có giải thích từ ngữ về định danh nhà giáo là gì. Bởi điều này rất quan trọng cho việc xác định phạm vi, đối tượng để điều chỉnh trong luật này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung giải thích từ ngữ tại điều 4 có khái niệm nhà giáo để xác định được nội hàm, từ đó thực hiện nhiệm vụ cho đúng.
Về độ tuổi nghỉ hưu của nhà giáo, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị bên cạnh đối tượng giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm so với quy định chung của Bộ luật Lao động thì cũng nên bổ sung giáo viên tiểu học, giáo viên dạy ở các cơ sở giáo dục khuyết tật được hưởng chế độ này, do đây là cũng là những cơ sở giáo dục khá đặc thù, vất vả, phải dành nhiều tâm sức, trách nhiệm đối với các em học sinh.
Về công tác tuyển dụng, sử dụng, bố trí đội ngũ, đại biểu nêu rõ, hiện nay theo phân cấp quản lý thì giáo viên từ mầm non đến THCS thuộc cấp huyện quản lý; còn giáo viên THPT thì thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, do đó tạo ra một số bất cập, khó khăn trong thực hiện việc điều động, điều chuyển, luân chuyển, điều phối giáo viên. Hiện nay tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, hoặc thiếu giáo viên ở một số địa bàn, một số cấp học cũng như việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ khi các em lựa chọn tổ hợp môn. Nếu không quy định lại phân cấp về tuyển dụng, sử dụng, bố trí đội ngũ thì không thể nào giải quyết được bài toán thừa - thiếu giáo viên hiện nay.
Liên quan đến chính sách thu hút, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cần quan tâm đến giáo viên là người dân tộc thiểu số, nhất là những giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong việc tuyển dụng thì đã có một số ưu tiên đối với giáo viên cử tuyển hoặc giáo viên người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên là với cách tuyển dụng như hiện nay thì rất nhiều giáo viên người dân tộc thiểu số không thể trúng tuyển được vì số điểm được cộng thêm khó có thể cao hơn những giáo viên có trình độ tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc...
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn). |
Theo đại biểu, dự thảo luật nên thiết kế có chính sách riêng để thu hút những trường hợp về công tác tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số để các em có thể yên tâm, phấn đấu, cống hiến cho các địa bàn nơi các em sinh ra, lớn lên và có đóng góp đối với quê hương. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến các cái điều kiện đối với các giáo viên tình nguyện về công tác tại những địa bàn khó khăn, kèm theo đó là những chính sách ưu đãi hơn đối với con em của giáo viên này.
Cho ý kiến về nội dung tiền lương và phụ cấp, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thiết kế chính sách tiền lương cho phù hợp, tương thích với lộ trình đổi mới tiền lương; đồng thời có sự quy định cụ thể hơn với những trường hợp giáo viên của từng bậc học, cấp học để tránh “cào bằng” và áp dụng chung cho tất cả các cái đối tượng mà không có sự phân định rõ ràng giữa các trường hợp, điều kiện, địa bàn, nhiệm vụ khác nhau. Cùng với đó là tạo sự công bằng giữa nhà giáo ở khu vực công và ngoài công lập, để cho các giáo viên ngoài công lập cũng được các điều kiện về định danh, các điều kiện thực hiện nhiệm vụ được đảm bảo tương đồng, công bằng với giáo viên của khối công lập…
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, liên quan đến chính sách nhà nước đối với xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo quy định tại Điều 6, đại biểu Lưu Văn Đức - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu rà soát các nội dung chính sách sao cho thể hiện được tính đột phá, chiến lược, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với nhà giáo.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo, đại biểu đề nghị mở rộng thêm vùng được hưởng chế độ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo; đồng thời đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về một số chính sách tiền lương đối với các nhà giáo giảng dạy trong các trường khuyết tật đặc thù…
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Bí thư Thị ủy Buôn Hồ tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật việc làm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Đối với quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại vùng biên giới. Đồng thời bổ sung thêm các đối tượng này trong quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các trường hợp này cũng được hưởng những chế độ chính sách ưu đãi hơn trong vấn đề giải quyết việc làm…
Báo Đắk Lắk