Sửa đổi yêu cầu công bố hợp quy: Tháo gỡ căn nguyên của nhiều xung đột pháp lý?
Ngày đăng: 17/04/2025 09:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/04/2025 09:26
Đó là ý kiến mà nhiều đại diện doanh nghiệp đưa ra khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: quatest1.com.vn |
Nhiều bất cập phát sinh
Là một yêu cầu bắt buộc đối với nhiều sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, việc công bố hợp quy đòi hỏi các tổ chức, cá nhân sẽ cần tự công bố hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước rằng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quy trình, môi trường... của mình đã phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do nhà nước ban hành.
Dù được đưa ra nhằm giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn và đảm bảo chất lượng, song, “tôi cho rằng đây chính là nguồn gốc của nhiều vấn đề và là căn nguyên của những xung đột pháp lý trong quá trình thực thi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa trong gần 20 năm vừa qua”, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam từng nhận định tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào đầu tháng ba.
TS. Nguyễn Xuân Dương phân tích, hiện nay nhà nước đã quy định, việc quản lý chất lượng thì sử dụng tiêu chuẩn áp dụng, và “nặng” hơn là hồ sơ công bố chất lượng. Ở các nước trên thế giới, khi sản xuất hàng hóa phải công bố hồ sơ chất lượng, trong đó phải có chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn - vốn chính là quy định kỹ thuật của nhà nước. Và trên nhãn mác bao bì, nhà sản xuất cũng phải công bố tối thiểu những chỉ tiêu có thể. “Như vậy là đã đủ điều kiện để chấp hành pháp luật rồi, người dân doanh nghiệp cứ làm, nhà nước đi kiểm tra, sai sẽ phạt”, ông nhận định.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại yêu cầu cả công bố hợp quy - một quy định mà theo TS. Nguyễn Xuân Dương đã dẫn đến nhiều bất cập. “Thứ nhất, quy định này không có nhiều ý nghĩa trong hoạt động quản lý vì hàng hóa đã công bố trong hồ sơ rồi. Bây giờ lại đi lấy mẫu, đánh giá quy trình, phân tích và công bố hợp quy thì sẽ gây phát sinh chi phí, chậm trễ và làm khó cho người sản xuất. Và đây cũng là một công việc lặp lại quy trình trước đó rồi”, ông cho biết. Trong khi đó, trung bình mỗi một sản phẩm để công bố hợp quy thì chi phí đánh giá và chi phí lấy mẫu phân tích sẽ dao động từ 3 đến 5 triệu/sản phẩm. “Một doanh nghiệp thường có 300 đến 500 sản phẩm, như vậy họ sẽ mất khoảng hơn một tỷ đồng chi phí không cần thiết”, TS. Nguyễn Xuân Dương nhận định. Ông nhớ lại một câu chuyện mà chính ông gặp phải: “tôi từng nhập một tàu ngô 100.000 tấn từ Argentina về để giao cho 23 chủ hàng ở Việt Nam, thì 23 chủ hàng đều phải đi lấy mẫu công bố quy định hợp quy. Có nghĩa là một hàng hóa bị 23 lần đánh giá, kiểm tra lại. Quy chuẩn kỹ thuật là phải có, nhưng công bố hợp quy là không cần thiết và cần phải được bãi bỏ”.
Hạn chế này cũng là điều mà ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chỉ ra. Theo ông, thủ tục công bố hợp quy thực chất chỉ là một bước tiền kiểm mang tính hình thức, gần như không có ý nghĩa gì trong thực tiễn. Bằng chứng chủ yếu dựa trên phiếu kiểm nghiệm của một lô hàng duy nhất và kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu thử, song, tờ giấy này lại được sử dụng như một giấy chứng nhận áp dụng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lô hàng. “Chúng ta coi trọng giấy tiền kiểm mà lại bỏ qua hậu kiểm. Điều này dẫn đến những vụ việc như vụ giá đỗ ngậm chất kích thích thời gian qua tại siêu thị Bách Hóa Xanh. Cơ sở sản xuất này có đầy đủ giấy chứng nhận, nhưng trong 3-4 năm kể từ khi sản xuất không có cơ quan chức năng nào đến thực hiện hậu kiểm”, ông Nguyễn Hồng Uy phân tích. “Người tiêu dùng thấy có giấy chứng nhận là tin tưởng, nhưng thực ra nếu không có hậu kiểm thì tờ giấy chứng nhận lại trở thành công cụ để những đối tượng kinh doanh không lành mạnh lừa người tiêu dùng”.
Thay đổi theo hướng hậu kiểm
Trước những bất cập đã tồn tại trong thực tế nhiều năm qua, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng Ban quản lý Chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN), dự thảo Luật lần này đã đề xuất bãi bỏ ba thủ tục hành chính: công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng đối với một số hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm hàng hóa được quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật) nhập khẩu; đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Cụ thể, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hoá như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị.... “Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm)”, tờ trình dự thảo cho biết. Theo đó, khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố sau: bản chất hóa học, vật lý, sinh học; kết cấu, nguyên lý hoạt động; quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.
Bên cạnh đó, để thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 34 về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Do đó, để đảm bảo sự đồng bộ, nội dung này sẽ được sửa đổi theo hướng căn cứ vào tính chất rủi ro của hàng hóa để áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm đối với hàng hóa có tính chất rủi ro cao, biện pháp quản lý hậu kiểm đối với các hàng hóa nhóm 2 khác.
Các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa như sau: các hàng hóa mà tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng quy định biện pháp quản lý dựa trên kết quả giám định, chứng nhận của tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật (hàng hóa có tính chất rủi ro cao) chỉ phải thực hiện thủ tục hành chính về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, không phải thực hiện thủ tục hành chính “công bố hợp quy” tại cơ quan quản lý có thẩm quyền. (Hiện nay, trong Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa hiện hành quy định là toàn bộ các hàng hóa nhóm 2 phải thực hiện hai thủ tục hành chính, gồm thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và thủ tục hành chính công bố hợp quy).
"Việc có cần công bố hợp quy cũng là điều mà chúng tôi rất suy nghĩ và trăn trở. Chúng tôi rất ủng hộ những ý kiến góp ý để làm sao giải quyết được tất cả những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp", ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội chia sẻ tại hội thảo.
Bài đăng KH&PT số 1339 (số 15/2025)
Khoahocphattrien