Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa áp dụng cho hành lang số 1 Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội
Ngày đăng: 25/03/2025 10:34
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/03/2025 10:34
Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được Đảng, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải dành nhiều sự quan tâm, nhờ đó lượng hàng hóa vận chuyển bằng ĐTNĐ tăng hàng năm và đứng thứ hai chỉ sau vận tải đường bộ. Năm 2022, vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ tăng trưởng 26,9% so với cùng kỳ, đảm nhận tỷ trọng 21,73% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của toàn ngành giao thông; tuy nhiên, đường bộ vẫn chiếm 72,93% về khối lượng hàng hóa vận chuyển và cũng tiếp tục tăng trưởng 22,7%. So với các nước có ngành vận tải ĐTNĐ phát triển như Hà Lan thì tỷ trọng đảm nhận về vận chuyển của vận tải đường thủy thường đạt trên 30%, đường bộ chỉ đảm nhận khoảng 60%.
![]() |
Định hướng phát triển GTVT trong thời gian tới là tăng cường sử dụng ĐTNĐ để vận chuyển hàng hóa để giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giảm chi phí logistics, giảm thương vong do tai nạn giao thông cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường.
Thống kê cho thấy, lượng hàng container vận chuyển bằng phương tiện thủy ở phía Bắc đang tăng trưởng tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hàng ĐTNĐ tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với container được vận chuyển bằng phương tiện thủy qua cảng biển Hải Phòng năm 2019 đạt khoảng 40.000 TEUs, năm 2020 đạt hơn 73.518 TEUs, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 64.100 TEUs, dự kiến cả năm 2021 đạt 100.000 TEUs. Từ thực tế này, các nhà sản xuất, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lựa chọn phương thức vận chuyển mới ưu việt hơn để đảm bảo được chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch xuất nhập khẩu, đặc biệt vào những tháng cuối năm khi lượng hàng tăng cao. Với các ưu điểm như được ưu tiên mặc định luồng xanh trong thời kỳ dịch bệnh, khả năng vận tải lớn và ít xả thải, thêm vào đó, hệ thống đường thủy khu vực phía Bắc cũng đáp ứng được yêu cầu kết nối đến các cảng, do đó vận tải thủy nội địa được đánh giá là phương án vận tải tối ưu, phù hợp với các tiêu chí mà các doanh nghiệp phía Bắc cần.
Trên thế giới và Việt Nam, đã có nhiều vụ tai nạn trong quá trình bốc xếp container trên tàu vận tải thủy nội địa. Phần lớn, việc bốc xếp container trên tàu vận tải thủy nội địa phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của người thực hiện bốc xếp, chưa có một công cụ, giải pháp kỹ thuật hiện đại hỗ trợ. Nhiều vụ tai nạn như nghiêng, lật, chìm tàu hay rơi các container xuống biển xảy ra do không được dự báo trước (trọng tâm tàu thay đổi, tàu bị nghiêng, chúi). Với đặc tính đặc biệt, việc kiểm soát độ ổn định của sà lan vận tải Container thủy nội địa luôn là vấn đề cấp thiết dành cho các sĩ quan hàng hải cũng như bộ phần điều hành cảng.
Từ những lập luận trên, đặt ra tính cấp thiết trong việc cần xây dựng hệ thống đáp ứng nhu cầu về quản lý, theo dõi đội tàu vận tải thủy nội địa, lập kế hoạch hoạt động, định vị tàu vận tải thủy nội địa, tính toán chính xác các thông số trạng thái, tư thế của tàu nhằm hỗ trợ việc kiểm tra ổn định của tàu và thay đổi/điều chỉnh phương án xếp dỡ container hàng nhằm thỏa mãn các yêu cầu về ổn định tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn TCVN 72 và SOLAS 74. Chính vì vậy, ThS. Phạm Đức Toàn, Chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa áp dụng cho hành lang số 1 Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội” với mục tiêu: Giải quyết các vấn đề về chi phí, tổ chức khai thác cho vận tải thủy nội địa chở hàng container với việc phát triển các thuật toán và công cụ tối ưu hóa. Một số các nghiên cứu khác tập trung vào các lĩnh vực công nghệ phát triển về phương tiện vận chuyển đường thủy hay cảng thủy nội địa; Giải quyết các vấn đề kết nối giữa cảng biển và vùng hậu phương bằng vận tải thủy nội địa và vận tải đa phương thức, cũng như đề xuất nhiều biện pháp về chính sách pháp lý, công nghiệp phụ trợ, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Nghiên cứu đặc điểm tình hình, thực trạng, tiềm năng vận tải thuỷ nội địa trên tuyến hành lang số 1: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, đặc biệt vấn đề vận tải container trên các phương tiện vận tải thuỷ;
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách sử dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại: điện toán đám mây, các thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm xây dựng phần mềm giúp cảng thuỷ nội địa và doanh nghiệp, phương tiện vận tải thuỷ nội địa quản lý, điều hành, giám sát hoạt động khai thác vận tải thủy, tính toán an toàn khi sắp xếp container trên phương tiện vận tải thuỷ nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn trong quá trình bốc/xếp, vận tải container, đảm bảo tính an toàn, …giảm chi phí khai thác, vận hành, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa nói chung, tuyến vận tải thủy nội địa hành lang số 1: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội nói riêng.
- Đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy vận tải container bằng ĐTNĐ trên tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội.
- Hiện đại hóa dây chuyền công nghệ bốc xếp, vận tải container, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phù hợp trình độ phát triển của khu vực và quốc tế.
- Nâng cao trình độ quản lý và khai thác vận tải thuỷ an toàn về phương tiện, hàng hoá trong mọi điều kiện hoạt động.
- Giảm thiểu mật độ giao thông đường bộ, đường sắt; Cải cách phương thức vận chuyển hàng hóa từ nguồn hàng đến khách hàng một cách nhanh gọn, an toàn.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23280/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn