Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số thiết bị và máy công tác chuyên dụng liên hợp với máy kéo có khả năng kéo bám và ổn định cao phục vụ trồng và chăm sóc rừng
Ngày đăng: 09/05/2025 09:18
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/05/2025 09:18
Cơ giới hóa sản xuất nông lâm nghiệp là quá trình tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng các khâu công việc và giảm lao động thủ công. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới sản xuất lâm nghiệp ở nước ta còn rất thấp, đặc biệt đối với các khâu làm đất trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Một trong những nguyên nhân được xác định là do thiếu thiết bị, máy móc phù hợp với điều kiện và yêu cầu của sản xuất có tính đặc thù của lâm nghiệp nước ta.
![]() |
Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu được thực hiện trên địa hình đất dốc, chia cắt, tính chất đất đai không đồng nhất, có nhiều gốc cây, đá lẫn...Đây là những khó khăn bất lợi cho việc canh tác bằng cơ giới. Trong khi đó, máy móc, thiết bị cơ giới chủ yếu được nhập từ nước ngoài để sử dụng cho nông nghiệp và giao thông, xây dựng, không phù hợp với điều kiện sản xuất của lâm nghiệp. Thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất lâm nghiệp được nghiên cứu chế tạo trong nước còn rất ít, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ hợp liên hợp máy có tính năng kỹ thuật phù hợp với điều kiện đất, cây trồng và khả năng đầu tư trang bị của sản xuất lâm nghiệp là yêu cầu của thực tế. Liên hợp máy phải thực hiện được nhiều khâu công việc, từ xử lý thực bì, làm đất trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến vận chuyển sản phẩm khai thác, và có công suất phù hợp với qui mô sản xuất mới đạt được hiệu quả. Để giải quyết vấn đề trên, nhóm nghiên cứu của TS. Đoàn Văn Thu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số thiết bị và máy công tác chuyên dụng liên hợp với máy kéo có khả năng kéo bám và ổn định cao phục vụ trồng và chăm sóc rừng” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã nghiên cứu xác định được đặc điểm đất, cây trồng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản cơ giới một số khâu trong sản xuất Lâm nghiệp tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, làm cơ sở cho nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ cơ giới hóa các khâu canh tác.
- Máy kéo bánh hơi Yanmar F535D có công suất, tính năng kỹ thuật phù hợp để thực hiện các khâu canh tác trên đất dốc lâm nghiệp. Cải tiến hệ thống di động và điều khiển đã nâng cao khả năng kéo bám, ổn định và hiệu quả sử dụng trên đất dốc lâm nghiệp.
- Đã thiết kế, chế tạo và đưa vào khảo nghiệm 04 máy công tác liên hợp với máy kéo Yanmar F535D cải tiến, gồm:
+ Cày chảo 2 dãy làm đất chăm sóc kết hợp bón phân cho rừng trồng, dàn cày có thể điều chỉnh được độ sâu làm đất, bề rộng làm việc và lượng phân bón phù hợp với yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rừng. Độ sâu cày tối đa đạt 23 cm, bề rộng làm việc tối đa đạt 2,2m; lượng phân bón có thể thay đổi từ 200g/gốc đến 500g/gốc, năng suất đạt từ 2,40 đến 2,80 ha/ca tùy theo cấp độ dốc của địa hình.
+ Thiết bị xử lý thực bì, lắp sau máy kéo Yanmar F535D, bộ phận làm việc có kết cấu dạng trống răng, làm việc theo nguyên lý băm cắt, truyền động thủy lực, công suất 18,36 kW, năng suất đạt từ 1,6 - 2,2 ha/ca đối với thực bì là cây bụi tự nhiên và 2,4 - 2,8 ha/ca đối với cành lá, ngọn cây để lại sau khai thác.
+ Máy khoan hố trồng rừng lắp theo máy kéo Yanmar F535D, công suất 10,0 kW, năng suất đạt từ 168 - 192 hố/h với đất có thành phần cơ giới nặng, độ chặt trên 30 kg/cm2, và từ 178 - 200 hố/h với đất có thành phần cơ giới trung bình, độ chặt từ 20 - 25 kg/cm2 ; chiều sâu hố từ 45 - 55 cm, đường kính từ 45 - 50 cm, độ tơi xốp đất trong hố khoan đạt trên 50%.
+ Rơ mooc vận chuyển lắp theo máy kéo Yanmar F535D, kết cấu dạng thùng ben tự đổ hàng, một cầu chủ động, truyền động cơ học, tải trọng 3,5 tấn, hoạt động an toàn trên đường nền đất có độ dốc dọc đến 25%.
Các thiết bị và máy công tác nghiên cứu thiết kế hoàn toàn chế tạo được ở trong nước, sử dụng công nghệ chế tạo thông dụng, lắp ráp và vận hành sử dụng thuận tiện. Kết quả của đề tài đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thực tế sản xuất lâm nghiệp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20647/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Vista.gov.vn