Khởi nghiệp Việt Nam: Một số xu hướng nổi bật trong năm 2024
Ngày đăng: 10/01/2025 09:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/01/2025 09:19
Năm 2024 vẫn tiếp tục là một năm lặng lẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, khi chưa thể qua được "mùa đông gọi vốn", với những nội lực cần chờ thời cơ đến. Dù vậy dưới lớp vỏ tĩnh lặng, những đổi mới đang âm thầm diễn ra.
Startup phát triển máy bay không người lái có thể triển khai các mô hình thử nghiệm của mình nhờ chính sách sandbox tại TP.HCM. |
Dưới đây là những xu hướng nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp trong năm qua, theo quan sát của Khoa học & Phát triển và trao đổi với các chuyên gia, nhà đầu tư và startup.
Vẫn chưa qua “Mùa đông gọi vốn”
Sau giai đoạn bùng nổ đầu tư công nghệ trong những năm đại dịch, từ đầu năm 2023, hoạt động gọi vốn trên toàn cầu bắt đầu chững lại. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới suy yếu, chi phí vốn tăng cao, và mức định giá quá cao của các startup trong giai đoạn trước đã làm lượng vốn đầu tư mạo hiểm trượt dốc.
Theo số liệu trích dẫn của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) tại Techfest 2024, trong chín tháng đầu năm 2024, đã có 38 thương vụ với tổng giá trị 372 triệu USD được các công ty khởi nghiệp Việt Nam ký kết. Con số này nổi bật so với các nước láng giềng Đông Nam Á, nơi nhiều công ty ghi nhận mức tăng trưởng âm hoặc bằng 0.
Ông kỳ vọng tổng số vốn đầu tư cho cả năm 2024 có thể đạt đến mức 529 triệu USD như của năm 2023. Trên thực tế, số vốn huy động được của năm 2023 đã giảm 17% so với năm 2022 trước đó, và giảm 63% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2021. Nếu bức tranh gọi vốn trong năm 2024 không được cải thiện, đây sẽ là năm thứ ba Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm về vốn khởi nghiệp, mặc dù tốc độ giảm đang chậm dần.
Một số chuyên gia Việt Nam cho rằng mùa đông gọi vốn sẽ vẫn còn tiếp diễn, ít nhất đến giữa năm 2025. Một vài startup gọi được số vốn đáng kể lên tới hàng chục triệu USD trong những ngày cuối cùng của năm 2024 là một dấu hiệu tích cực cho thấy tình trạng kéo dài này có thể sắp chấm dứt.
Các quỹ đầu tư đang quan sát, phân tích startup kỹ hơn. Đại diện từ các quỹ ITI Fund, Do Ventures và VIISA cho biết mỗi năm họ tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 0,5 - 1% trong số đó là được nhận đầu tư.
Để có thể lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư, các startup sẽ phải đáp ứng các yếu tố như mô hình kinh doanh bền vững, sản phẩm phù hợp với thị trường và gia tăng biên lợi nhuận, bên cạnh những yếu tố căn bản như có công nghệ và đội ngũ sáng lập tốt. Nói cách khác, “các nhà đầu tư mạo hiểm nay đã bớt mạo hiểm hơn”.
Chính sách sandbox đưa vào thực tiễn
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm tiêu biểu là tập trung vào các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh rất mới mẻ, luôn mong muốn có một khung pháp lý linh hoạt hơn. Họ cần được thử nghiệm và điều chỉnh nhanh chóng, thay vì bị bó buộc trong những quy định cũ, vốn chỉ phù hợp với các giải pháp và mô hình truyền thống, thường ít chấp nhận rủi ro và chậm thay đổi.
Mặc dù Việt Nam đã đề cập đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) từ cách đây năm năm nhưng phải đến tận tháng 11/2024, khi TP.HCM chính thức cho phép thử nghiệm các phương tiện bay không người lái và xe tự hành tại khu Công nghệ cao TP.HCM thì cơ chế này mới thực sự được hiện thực hóa.
Giá trị cốt lõi của sandbox nằm ở việc cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện một số nghĩa vụ nhất định, nhằm tạo ra một môi trường thử nghiệm an toàn và linh hoạt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Các tác động tiêu cực từ công nghệ hoặc sản phẩm được khoanh vùng và xảy ra chỉ trong phạm vi hẹp của “hộp” (box) và không ảnh hưởng bên ngoài. Sau thời gian thí điểm, khung pháp lý có thể được điều chỉnh và mở rộng nếu đạt kết quả tốt.
Đối với trường hợp thử nghiệm đầu tiên của TP.HCM, các doanh nghiệp khởi nghiệp được phép tự do thí điểm các biện pháp như giao hàng, quan trắc môi trường, cứu hộ y tế v.v bằng phương tiện tự động từ 7 - 17 giờ mỗi ngày, mà không cần phải xin giấy phép riêng từng lần từ các cơ quan quản lý.
Sở dĩ TP. HCM đạt được tiến độ này bởi tháng sáu năm ngoái, Quốc hội đã cho phép thành phố thí điểm các cơ chế đặc thù thông qua Nghị quyết 98 tạo điều kiện để TP.HCM có nhiều không gian hơn trong hoạch định và thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo của riêng mình.
Sau TP.HCM, Hà Nội có thể là địa phương tiếp theo triển khai các sandbox khi Luật Thủ đô (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2025.
Net Zero bắt đầu thu hút startup công nghệ khí hậu
“Công nghệ khí hậu - climate tech” là một tán ô lớn, bao quát các startup thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thu hồi và lưu trữ carbon, giao thông bền vững, các kỹ thuật nông nghiệp xanh.v.v
Càng gần tới mốc 2030, Việt Nam càng phải đối mặt với áp lực giảm phát thải carbon. Cơ hội từ thị trường đại dương xanh – tức các lĩnh vực chưa có nhiều cạnh tranh và tiềm năng phát triển bền vững – cùng với xu hướng mở rộng tiêu chí đầu tư bền vững của các quỹ mạo hiểm khiến cho dòng vốn tập trung hơn, đã thu hút các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu trên thế giới đến Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của các startup Việt khai thác lĩnh vực đầy triển vọng này.
Theo thống kê của New Energy Nexus và Clickable Impact công bố hồi tháng 9/2024, Việt Nam đã có 49 công ty climate tech, thu hút được 92,6 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Các lĩnh vực thu hút vốn chủ yếu là nông nghiệp và sản xuất lương thực, giao thông xanh (xe điện). Hầu hết các công ty đều ở giai đoạn đầu, với nguồn tài trợ hạt giống và Series A chiếm gần một nửa số lượng giao dịch. Chỉ có hai công ty khởi nghiệp đã bước vào Series B, một vòng tài trợ báo hiệu startup đã sẵn sàng mở rộng quy mô trên thị trường.
Năm 2024 cũng chứng kiến nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Đây là năm thứ hai quỹ đầu tư Touchstone Partners phát động “Thách thức Net Zero 2024”, thu hút hơn 500 startup đến từ 55 quốc gia đến giới thiệu các giải pháp công nghệ có thể triển khai ở Việt Nam. Số lượng startup năm nay tăng hơn 50% so với năm trước, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của các startup quốc tế trong việc thử nghiệm các giải pháp công nghệ thích ứng với khí hậu tại đây.
Vào giữa tháng 8/2024, Bộ Công thương lần đầu tiên kích hoạt một chương trình tăng tốc khởi nghiệp mang tên AIS4EE nhằm tìm kiếm các startup trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Chương trình này đã thu hút được hơn 100 startup từ nhiều nước, và đang có 14 startup triển vọng cao được lựa chọn để ươm tạo đến hết tháng 2/2025. Điều đáng lưu ý là gần 80% trong số đó là các đội Việt Nam. Bộ Công thương lưu ý rằng tiết kiệm năng lượng có thể sẽ sớm trở thành bắt buộc ở tất cả các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và Việt Nam thực sự cần các giải pháp hữu hiệu.
Đầu tháng 12/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức khởi động một chương trình nghiên cứu quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero, mở thêm cơ hội cho các startup. Dù không trực tiếp nhắm đến doanh nghiệp khởi nghiệp, chương trình này có thể trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển những công nghệ đột phá, từ đó tạo ra cơ hội “ươm mầm” thành các spin-off công nghệ xanh trong tương lai.
Mặc dù hiện tại, startup công nghệ khí hậu mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, nhưng đây được xem là hạt giống cho tương lai xanh hơn. New Energy Nexus chỉ ra rằng, có nhiều cơ hội tăng trưởng cho lĩnh vực này khi tài trợ công nghệ khí hậu chỉ mới chiếm 4% trong tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10% toàn cầu.
Khoahocphattrien